Tăng động giảm chú ý thường hay sinh ra những rắc rối trong sinh hoạt cuộc sống, để tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển và kỹ năng sống của trẻ. Vậy tăng động giảm chú ý là gì và có cách nào để cải thiện bệnh hay không ? Hãy cùng KidsUni đi tìm hiểu về các cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý trong bài viết này nhé!
Tăng động giảm chú ý là gì?
Tăng động giảm chú ý là một trong các rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ nhỏ được biểu hiện bằng những hành vi nghịch ngợm, hiếu động quá đà và khiến trẻ hay bị mất tập trung.
Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong các rối loạn phát triển bởi hành vi hiếu động quá đà đi cùng với giảm khả năng tập trung, rất dễ bị phân tâm bởi những tác động bên ngoài.
Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường gặp ở trẻ có lứa tuổi từ 3 – 11 tuổi và trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này ở trẻ nếu không được điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách, việc học tập, sinh hoạt cũng như khả năng xây dựng mối quan hệ của trẻ với mọi người xung quanh.
Có thể nói, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tình trạng trẻ mắc bệnh tăng động giảm chú ý ngày càng nhiều nhưng dễ bị phụ huynh bỏ qua. Điều này khiến cho bệnh lý ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển sau này của trẻ.
Các dấu hiệu nhận biết
- Bé rất dễ bị phân tâm và không tập trung khi đang chơi hoặc khi ngồi trong lớp học.
- Hay phạm lỗi do cẩu thả khi làm gì đó vì bé không chú ý vào các chi tiết.
- Gặp khó khăn trong cách tổ chức công việc và sinh hoạt hàng ngày
- Trẻ thường làm mất đồ đạc (dụng cụ học tập, đồ chơi…).
- Trẻ không tập trung khi đang nói chuyện với người khác, không nghe và làm theo những gì được cha mẹ hay thầy cô hướng dẫn, khiến kết quả học tập kém.
- Trẻ không giữ được sự chú ý lâu khi làm một công việc gì đó, đặc biệt trẻ thường không thích làm những việc cần sự tập trung.
- Trẻ có những hành động bốc đồng, khó kiềm chế cảm xúc, hay kéo tóc,la hét hoặc cáu giận.
- Tay chân của trẻ hay ngọ nguậy và ngồi không yên.
- Trẻ hoạt động không ngừng nghỉ và thường ít ngủ.
- Trẻ nói quá nhiều, thích quấy rầy trong các trò chơi, cuộc trò chuyện.
- Hay chạy lung tung trong lớp, hoặc không ngồi yên khi có mệnh lệnh.
- Không có sự kiên nhẫn khi phải chờ đợi để được làm việc gì đó.
- Không thích hoặc miễn cưỡng thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi phải duy trì những nỗ lực tinh thần (như làm bài tập trường hoặc ở nhà).
- Gặp khó khăn trong khi chơi đùa hoặc trong các hoạt động yêu cầu giữ yên lặng.
Nguyên nhân trẻ bị tăng động giảm chú ý
Trẻ bị tăng động có thể do di truyền, bệnh lý khi mẹ mang thai, tổn thương não khi sinh hoặc các bệnh lý sau sinh.
Ngoài ra, cũng có thể do môi trường tác động vào như:
- Môi trường sống của trẻ không ổn định: Ồn ào, đông đúc,…
- Trẻ ham chơi điện tử, nghiện Internet hoặc xem tivi quá nhiều.
- Do một số yếu tố độc hại do ô nhiễm môi trường.
Cách dạy trẻ mất tập trung, giảm chú ý
Xây dựng thời gian biểu cho bé khoa học, hợp lý
Để trẻ có thể tập trung, phụ huynh cần xây dựng thời gian biểu công việc hàng ngày cho bé như: hoàn thành bài tập, ăn cơm, giải trí, đi ngủ theo một khung giờ. Khi có được thời gian biểu, tâm lý con sẽ bớt rối loạn và dễ ghi nhớ để tập trung làm theo lịch. Cha mẹ có thể treo bảng biểu ở những nơi gần gũi với con nhất như: bàn học, giường ngủ, hoặc cửa phòng…
Chia nhỏ công việc con cần hoàn thành
Do trẻ tăng động giảm chú ý biểu hiện dễ thấy nhất là mất tập trung từ các tác động bên ngoài và thường quên đi bản thân đang làm gì. Vì vậy lời khuyên là cha mẹ nên cho con 1 không gian yên tĩnh khi học để tránh bị tiếng ồn ào, nói chuyện làm phân tâm đến bé.
Trẻ cũng sẽ thường rơi vào tình trạng nhanh chán nản và dễ bỏ cuộc vì không thể tập trung được trong thời gian dài. Vì vậy, với mục tiêu lớn cần thực hiện, phụ huynh nên chia nhỏ công việc để con sẽ không cảm thấy bị gò bó khó chịu và có hứng thú hơn.
Quy định thời gian cụ thể khi trẻ cần hoàn thiện mục tiêu
Các bé khi có dấu hiệu mắc bệnh sẽ thường hay trì hoãn và chậm tiến độ trong mọi việc. Vì vậy, để giúp bé hoàn thiện đúng tiến độ, mẹ cần thiết lập những mốc thời gian tối ưu như làm bài tập trong vòng 30 phút hoặc những công việc hằng ngày trong bao lâu.
Để giúp trẻ tập trung, phụ huynh có thể cài báo thức thời gian và bắt buộc trẻ phải hoàn thành khi chuông đồng hồ reo. Ngoài ra cũng nên cho bé nghỉ giải lao 20 phút sau khi đã hoàn thiện để bé không bị chán nản và giảm tập trung.
Luôn động viên trẻ thường xuyên
Trẻ tăng động thường phải mất nhiều thời gian hơn để làm một việc gì đó. Vì vậy, khi con làm tốt nhiệm vụ được giao hãy khích lệ trẻ bằng một món quà nhỏ hoặc những lời động viên cho bé.
Luôn sẵn sàng trò chuyện, tâm sự cùng trẻ
Cách hữu hiệu nhất là dạy bé qua những trò chơi thực tế. Bởi chính những câu chuyện thực tế hay các trò chơi sẽ giíp bé rèn luyện các kĩ năng xử lý tình huống, rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng tư duy logic.
Cha mẹ có thể dành thời gian cuối ngày để cùng con nói chuyện, tâm sự những gì mà hôm nay con đã làm ở trường hoặc đọc sách và chơi cùng con.
Khuyến khích cho trẻ tham gia thể dục, thể thao
Hãy cho con tham gia, vui chơi các môn: đá cầu, nhảy dây, đá bóng, bóng rổ, bơi lội vì các môn thể thao sẽ giúp bé giải phóng bớt năng lượng và còn tăng cường sức khoẻ.
Phối hợp quản lý cùng với nhà trường
Trong khi dạy trẻ, việc phối hợp với nhà trường là cần thiết và rất quan trọng. Phụ huynh nên trao đổi chia sẻ với giáo viên về tình trạng của con và nhờ thầy cô quan tâm, để ý và giúp đỡ với con nếu có những biểu hiện bất thường trong quá trình học tập.
Cha mẹ có thể nhờ giáo viên sắp xếp cho con ngồi ở khu vực yên tĩnh, tránh xa cửa sổ và cửa lớp để giảm độ phân tâm cho trẻ.
Gợi ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ tăng động, giảm chú ý
Chế độ ăn giàu Protein
Bổ sung đậu, phô mai, trứng, thịt, và các loại hạt chứa nhiều protein trong khẩu phần ăn của trẻ. Các loại thực phẩm này nên cho trẻ ăn vào buổi sáng hoặc bữa ăn nhẹ sau giờ học có thể giúp cải thiện sự tập trung ở trẻ và có thể làm cho thuốc đạt hiệu quả cao hơn.
Tăng cường ăn các loại rau xanh
Bao gồm bông cải xanh, rau bina và các loại rau lá xanh khác. Sự kết hợp của các loại vitamin và khoáng chất khác nhau có trong các loại rau lá xanh này có nhiệm vụ cải thiện các hoạt động trung tính và tăng cường hoạt động tổng thể của não bộ. Đặc biệt là vitamin B, vitamin B6 làm tăng tổng hợp dopamine trong não, giúp cải thiện sự tỉnh táo ở trẻ ADHD.
Bổ sung Axit Omega 3
Cá hồi, cá trích, cá thu,… là nguồn bổ sung acid béo Omega 3 tuyệt vời cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là trẻ bị ADHD. Nghiên cứu cho thấy, nhóm trẻ bị ADHD trong não có ít hàm lượng Omega 3 hơn so với nhóm còn lại. Chưa có điều gì chắc chắn cho việc thiếu hụt Omega 3 gây nên ADHD. Tuy nhiên, thực đơn dinh dưỡng giàu Omega 3 có thể cải thiện sự chú ý, tập trung và trí nhớ làm việc ở trẻ ADHD.
Ngoài các loài cá và dầu cá, mẹ có thể bổ sung Omega 3 cho bé từ thực vật. Bao gồm: hạt lý chua đen, đậu nành, hạt chia, hạt lanh, hạt óc chó,…
Dạy trẻ con đã khó và dạy trẻ tăng động rất vất vả và cần nhiều sự kiên nhẫn của bố mẹ và môi trường xung quanh. Nhưng với sự sát sao và quan tâm từ gia đình thì tình trạng của bé sẽ cải thiện được đáng kể nếu biết cách giáo dục. Hy vọng qua bài viết này đã làm rõ về hội chứng cũng như các cách dạy con để giúp bé vượt qua !
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.